Viết cho ngày giỗ ba

Sắp đến ngày đám giỗ lần thứ 37 của ba tôi. Ba mất năm 1985 vì bệnh già, thọ 75 tuổi.
Anh chị em chúng tôi không biết gì về thời tuổi trẻ của ba. Lúc ấy ba còn bên Trung quốc, sống tại huyện Nhiêu Bình, Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Lâu lâu chúng tôi mới được nghe ba kể, hồi còn thanh niên đã từng bán vé phà, từng là ca sĩ phòng trà. Năm tôi bắt đầu học tiếng Anh, một hôm tôi viết sai một từ bị ba kêu sửa lại, tôi mới biết thì ra ba mình cũng biết ngoại ngữ. Ba không cho chị em tôi học trường Tàu chắc vì học “hết lớp” rồi không biết làm gì nữa. Việc này đồng nghĩa với việc chúng tôi không biết chút gì về tiếng Hoa. Tôi thường hứa với lòng là xong đại học sẽ đi học tiếng Hoa nhưng vì lười biếng nên đã không thực hiện.
Ba tôi tướng cao lớn, có đến hơn 1 mét 8. Nhìn mấy tấm ảnh ba thời trẻ thấy rất handsome, nhất là ảnh ba mặc đồ tây nên tôi đoán chắc lúc ấy ba đắt đào lắm.
Có một chuyện khiến tôi mắc cười và nhớ hoài, đó là năm thằng em kế tôi được 6 tuổi. 5 giờ sáng hôm đó ba tôi đi bộ ra chợ để mở cửa tiệm. Ba má là tiểu thương mua bán bánh mì. Ba đi một mình vì má tôi lên Sài Gòn có việc. Đang thong thả bước, rời nhà được chừng trăm mét, bỗng ba tôi nghe phía sau có tiếng lẹp xẹp nên quay lại. Ba tôi giật mình khi phát hiện ra thằng em tôi nãy giờ đang mắt nhắm mắt mở bước theo. Thế là ba tôi bế nó quay về nhà giao cho chị tôi rồi mới đi tiếp. Má về, biết chuyện, cười ha hả. Xong má lại nghiêm giọng với ba: “Không có tui ông lại đi bộ ra tiệm hả? Chèn ơi, xa chết. Sao không dặn xe lôi vô rước?”. Ba tôi là vậy, rất tiết kiệm, ít khi nào tiêu tiền cho bản thân.
Sang Việt Nam sinh sống, cưới vợ, mất liên lạc với gia đình dòng họ, bao nhiêu tình thương ba dành hết cho vợ con. Ba chỉ có vài người bạn là Hoa kiều, nhất là “chú bánh men” hàng xóm để nói chuyện bằng tiếng Tàu. Mỗi khi chú sang nhà chơi, ba và chú xí xa xí xố chúng tôi nghe như vịt nghe sấm. Gọi là chú bánh men vì nhà chú có lò làm bánh men, bánh gai bỏ mối cho các tiệm.
Ba tôi biết làm vài loại bánh kiểu người Hoa và nấu ăn rất chuẩn. Món mà tôi thích và nhớ hoài là thịt kho chao, hương vị đậm đà hòa quyện cùng vị chao bùi béo rất ngon. Đây đúng là món đổi vị cho bữa ăn gia đình. Lâu lâu ba dẫn một đứa con đi ăn tiệm, lần sau dẫn đứa khác, tất nhiên là tiệm ăn người Hoa. Riêng tôi, lần đó theo ba vô nhà hàng, tính tiền xong ba bỏ tiền thối vô đĩa để boa cho anh bồi phục vụ. Tôi nhặt lấy hết mấy đồng bạc cắc để chơi. Thời điểm ấy tiền còn có giá nên tiền cắc có giá trị cao. Dọc đường, thấy tôi tung thảy mấy đồng cắc, ba hỏi: ” Con lấy trong đĩa của nhà hàng phải không?”. Tôi “dạ” một tiếng và thấy ba lắc đầu chán nản: “Tiền đó là tiền boa ba cho phục vụ đó”. Sau này lớn lên, tôi biết chuyện một số trẻ khác cũng “hành xử” giống y như tôi lúc được cha mẹ dẫn đi ăn nhà hàng.
Ba tôi thương con cái lắm. Đứa nào cũng thương. Tôi nhớ năm tôi thi Tú tài phần 2, về nói làm bài không được khiến ba lo lắng mãi. Má tôi nói “Hay là ông vái ông bà khuất mày khuất mặt phù hộ cho con đi”. Ba tôi làm theo, hứa cúng con heo quay nếu tôi thi đậu. Không ngờ tôi đậu thiệt. Lúc đó ba tôi lại lừng khừng chưa cúng tạ ơn vì con heo quay rất mắc tiền. Má tôi lại bảo “Không thì mình cúng cái đầu heo cũng được”. Ba thấy yên tâm, thở phào nhẹ nhõm.
Nhiều lúc tôi nghĩ sao cuộc đời của ba tôi vô vị quá, quanh năm suốt tháng chỉ biết buôn bán, không có một chút gì gọi là giải trí, không biết gì về du lịch. Mấy chục năm ròng rã trôi qua ba đã hy sinh tất cả cho con cái, lấy niềm vui của chúng làm niềm vui cho mình. Hạnh phúc gia đình chính là hạnh phúc của ba. Chưa bao giờ chúng tôi nghe ba than vãn, dù chỉ là một tiếng.
Ba tôi ra đi nhẹ nhàng ở tuổi 75. “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nghĩa là: Người sống đến bảy mươi tuổi xưa nay hiếm. Đêm ấy, khi đã đông đủ con cái vây quanh mình, ba mới chịu nhắm mắt. Thương ba đã chịu đựng từ bệnh viện trên Sài Gòn về đến quê nhà, vẫn cố giữ cho mình nhịp thở. Người ta bảo nếu chết dọc đường thì sẽ không cho vô nhà, phải nằm ngoài mái hiên giá lạnh.
Hai năm rồi vì Covid-19 chúng tôi không tụ họp về quê để cúng giỗ ba. Đứa em gái giữ nhà hương hỏa chỉ làm mâm cơm chay đơn giản. Năm nay dịch bệnh đã bớt nhiều, có lẽ anh chị em tôi phải về. Ba má tôi có hơn mười đứa con, gái trai đầy đủ. Chạnh nhớ câu ca dao mà lòng bồi hồi bổi hổi:

“Trai mà chi, gái mà chi
Cốt sao có nghĩa, có nghì là hơn”

(Viết cho ngày giỗ ba: mồng 8 tháng 7 âm lịch)
Sĩ Huỳnh

Bình luận về bài viết này